Huyện Long Phú chủ động ứng phó với hạn, mặn (Lượt xem: 2668)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 03/02/2024

Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt  khi có hạn hán, mặn xâm nhập sẽ gây tác hại lớn đến sản xuất. Theo đó, Ngành nông nghiệp của địa phương chuyên canh tác lúa như Long Phú đã chủ động đề ra các biện pháp trước mắt và lâu dài để nông dân trồng lúa hạn chế rủi ro trong canh tác.

Huyện Long Phú chủ động ứng phó với hạn, mặn
Nông dân không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn để hạn chế rủi ro.

Tính đến nay, nông dân Long phú đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 được hơn 10.000 ha/ 16.000ha đã xuống giống. Đầu vụ thời tiết thuận lợi, ít mưa bão, sâu, bệnh nên nông dân giảm chi phí đầu tư mà năng suất lúa tươi đạt 6,75 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với cùng kỳ. Thương lái mua lúa tại ruộng dao động từ 9.000đ đến hơn 11.000đ/kg nên trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận cao từ 30 - 60 triệu đồng/ha. Trúng mùa, được giá nên nông dân rất phấn khởi. Huyện Long dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông Xuân trong tháng 2/2024.

“Vụ lúa Đông Xuân này tôi trồng lúa được 11 công tầm lớn, hiện đã thu hoạch xong với năng suất trên 800kg/công, giá bán 11.500đ/kg, trừ chi phí đạt lợi nhuận 6,5 triệu đồng. Hồi đó tới giờ chỉ có năm nay là trúng mùa, trúng giá. Tết năm nay “ngon lành” hơn mọi năm”, ông Huỳnh Văn Chín ở ấp An Hưng, xã Long Đức, nói.

Hầu hết nông dân Long Phú đề trúng mùa được giá vụ Đông Xuân.

Nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng mặn xâm nhập, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân không nên sản xuất lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3), nhưng sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân, nhiều nông dân đã trang thủ cải tạo đất, tự phát xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn. Tính đến ngày 22/1/2024, nông dân huyện Long Phú đã xuống giống gần 3.300 ha, chủ yếu là các giống: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18, OM 34 (Dự án thủy lợi Kế Sách hơn 365 ha, khu vực đê bao Long Phú - Tiếp Nhật trên 2.900 ha), lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Theo ngành chuyên môn, việc  liên tục sản xuất lúa 3 vụ  trong năm, đất sẽ không được nghỉ ngơi để hồi phục, phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng, dịch bệnh lưu hành quanh năm làm chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Là hộ không sản xuất lúa Đông Xuân muộn, ông Diệp Thanh Tính ở ấp Tân Lập, xã Long Phú, nói: Năm nay hạn, mặn đến sớm. Việc không làm lúa vụ 3 là rất tốt cho nông dân. Vì làm lúa vụ 3 không hiệu quả nên gia đình nuôi thêm gà, vịt, heo để cải thiện cuộc sống trong những tháng mùa khô.

Theo Trạm quản lý Thuỷ nông huyện Long Phú, hiện nay độ mặn trên các sông của địa phương đang diễn biến phức tạp. Tháng 1/2024, độ mặn cao nhất tại Bến phà Đại Ân 1 là 4,7‰, cống Bà Xẩm 3,0‰, cống Cái Quanh 1,4‰, cống Cái Xe 1,7‰. Thời gian tới, dự bado độ mặn sẽ tiếp tục tăng, Trạm sẽ tăng cường theo dõi độ mặn để điều tiết nước hợp lý, vận hành các công trình thuỷ lợi, đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo dõi độ mặn thường xuyên, hàng ngày, ông Lách Phà Rích (bìa phải ảnh trên) - Trưởng trạm quản lý Thuỷ nông huyện Long Phú, cho hay: Theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện từ 1 ‰ trở lên chỉ đạo cho các cống đóng lại giữ nước, còn dưới 1% Trạm sẽ xuống kiểm tra và cho các cống mở lấy nước để dự trữ cho bà con.

Để hạn chế việc nông dân tự phát tiếp tục xuống giống lúa Đông Xuân muộn, ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đang đẩy mạnh tuyên truyền nông dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sản xuất lúa liên tục trong năm, quan tâm làm công tác thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, vận động nông dân chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng các loại cây màu.

Về giải pháp phòng, chống hạn mặn, ông Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch đề xuất gia cố bờ bao, cống, đập để đảm bảo sản xuất cho bà con. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân làm thủy lợi nội đồng, tôn cao bờ bao để ngăn mặn, trữ nước ngọt. Rà soát lại những khu vực thường xuyên xảy ra hạn, mặn để có kế hoạch phòng, chống ứng phó. Do ảnh hưởng của hạn, mặn cuối vụ, nhất là trong khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt nên đơn vị  phối hợp tuyên truyền, vận đồng người dân không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn để hạn chế rủi ro. Thường xuyên thông báo kịp thời cho người dân, chủ động lấy nước bơm tưới phục vụ cho sản xuất; chỉ đạo Trạm quản lý Thủy nông thường xuyên đo mặn tại các cửa cống, nếu độ mặn dưới 1 ‰ sẽ lấy vô, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của bà con, còn nếu trên 1 ‰ sẽ đóng các cống lại để ngăn mặn, giữ ngọt.   

Theo dự báo của ngành chuyên môn, từ nay đến sau Tết Nguyên đán Gíap Thìn sẽ bước vào cao điểm những tháng mùa khô, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn trong sản xuất của nhà nông, do vậy bà con cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và tác hại lâu dài để có kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro, đạt hiệu quả cao./.

Thanh Đồng 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online